Học bổng Du học
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

CHUYỆN BẠN CÙNG PHÒNG

Go down

CHUYỆN BẠN CÙNG PHÒNG Empty CHUYỆN BẠN CÙNG PHÒNG

Bài gửi  capstonevn Fri Jul 22, 2016 2:12 pm

Năm đầu tiên đi du học, các bạn học sinh phải đối mặt với nhiều thay đổi lớn và một trong số đó là việc phải ở và chia sẻ không gian phòng ở riêng tư với bạn cùng phòng. Hầu hết các bạn học sinh năm nhất đều có từ 1 đến 2 bạn cùng phòng được trường sắp xếp một cách ngẫu nhiên và các bạn thường không biết nhau từ trước. Các bạn cùng phòng có thể là học sinh Mỹ, học sinh quốc tế hoặc cả hai. Việc ở chung với một ai đó là một việc không hề dễ dàng và đôi khi còn khiến nhiều bạn cảm thấy không dễ chịu, đặc biệt là khi phải ở với người lạ.

Sau hai năm học ở trường và chứng kiến những câu chuyện về bạn mình với những người bạn cùng phòng, mình rút ra kết luận rằng: có 3 mối quan hệ mà bạn cùng phòng thường có đó là bạn thân, bạn bè tốt cùng sống với nhau và tôn trọng nhau nhưng không nhất thiết là bạn thân, và hai người lạnh nhạt, thậm chí là ghét bỏ nhau. Mình và bạn cùng phòng năm nhất là bạn bè tốt, mình và bạn cùng phòng năm 2 là bạn thân và chúng mình cũng sẽ tiếp tục làm bạn cùng phòng ít nhất thêm 1 năm nữa. Theo những kinh nghiệm của mình, có những “luật bất thành văn” mà các bạn nên tuân thủ để có một cuộc sống “yên ấm” với bạn cùng phòng :-)


Thẳng thắn nói lên những mong muốn của nhau trong bản cam kết cho bạn cùng phòng (The Roommate Contract)
Vào tuần thứ 2 hay thứ 3 của năm học, các bạn sẽ được yêu cầu làm và cam kết một vài điều khoản trong bản cam kết dành cho bạn cùng phòng. Bản cam kết này sẽ bao gồm những mục rất căn bản như thời khoá biểu của các bạn đến các vấn đề riêng tư như chuyện tình cảm của bạn. Các bạn nên thẳng thắn nói lên quan điểm của mình khi bàn luận về bản cam kết này, ví dụ như nếu bạn muốn đi ngủ và đèn tắt vào lúc 9h tối, bạn nên nói thẳng về nhu cầu này với bạn cùng phòng của mình để họ biết và có thể sắp xếp lịch nghỉ ngơi hợp lý cho tất cả các thành viên trong phòng. Hãy suy nghĩ đến những trường hợp hiếm xảy ra hơn nhưng vẫn có thể xảy ra như bạn cùng phòng dẫn bạn bè về tiệc tùng đến 2h sáng, với những trường hợp này, bạn và bạn ấy muốn xử lý như thế nào? Các bạn có đồng ý cho họ dẫn bạn về khuya hay không? Nếu không, liệu cuối tuần có là trường hợp ngoại lệ không? Nếu có, liệu có giờ giấc giới hạn hay không? Mua đồ ăn vặt chung với nhau hay “đồ ai nấy ăn”? Những vật dụng nào có thể chia sẻ, những vận dụng nào “của ai nấy dùng”?.. Những điều tuy nhỏ nhưng sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sau này của bạn. Nếu các bạn không chia sẻ chân thành với nhau từ đầu thì việc giải quyết các vấn đề mâu thuẫn sau này sẽ khó hơn.
Một tip nhỏ là khi nói chuyện về “roommate contract”, bạn nên chủ động hỏi ý kiến và góp ý của (các) bạn cùng phòng nếu họ ngại chưa chia sẻ ý kiến hoặc hỏi RA (residence assistant) của bạn xem những mâu thuẫn thường gặp giữa bạn cùng phòng là gì và từ đó nói về những vấn đề này với bạn của mình. Năm nhất, mình cũng mù mờ không biết roommate contract là gì và cũng không suy nghĩ gì nhiều về những mâu thuẫn có thể có trong tương lai do tính mình khá dễ. Bạn cùng phòng mình tuy vậy đã lanh lẹ hơn mình và hỏi trước RA rồi nói chuyện với mình rất thẳng thắn.


Tôn trọng thời gian biểu của nhau
Khi ở chung, các bạn nên tôn trọng thời gian biểu của bạn cùng phòng. Ở đại học, mỗi người có một lịch học và sinh hoạt khác nhau chứ không như ở cấp 3, ai cũng học từ 7h sáng tới 5h chiều. Vì vậy, các bạn nên học cách tôn trọng thời gian biểu của bạn cùng phòng để họ thoải mái hơn và cũng làm điều tương tự cho bạn. Đơn giản như nếu bạn có lớp 8h sáng và phải dậy từ 6h30 để chuẩn bị nhưng bạn cùng phòng của bạn đến 10h sáng mới có lớp và bạn ấy thức khuya để học bài, khi bạn đi lại trong phòng, hãy đi nhẹ nhàng, đóng cửa, mở cửa nhỏ nhẹ cẩn thận, hạn chế bật đèn sáng hết cả phòng. Nếu bạn tốt và hành xử một cách tôn trọng và lịch sự với bạn cùng phòng, họ cũng sẽ hiểu và làm điều tương tự khi bạn cần.

Lên lịch dọn dẹp phòng
Bạn là sinh viên đại học và đã đến lúc bạn phải tự dọn phòng của mình. Ở chung phòng với những người khác cũng có nghĩa là bạn nên giữ không gian chung nếu không quá sạch thì ít nhất cũng nên gọn gàng. Việc dọn phòng là không thể tránh khỏi và các bạn nên thẳng thắn nói chuyện để lên lịch dọn phòng với bạn cùng phòng. Khi ký kết roommate contract, các bạn chắc hẳn cũng chia sẻ với nhau về việc dọn phòng nhưng thường nó là một mục nhỏ mà các bạn hay quên hoặc không để ý tới. Tuy vậy, việc phân chia dọn phòng là hết sức quan trọng. Các bạn có thể dành một vài tiếng nhất định trong tuần để cùng nhau dọn phòng hay chia trách nghiệm, bạn A hút bụi phòng tuần 1, bạn B rửa chén tuần 2 hay tương tự như vậy. Ngoài ra bạn cũng nên “clean up your mess” như rửa chén sau khi ăn xong hay giặt đồ của mình trước khi nó bốc mùi khó chịu. Bạn không thích mùi quần áo dơ thì các bạn cùng phòng cũng như vây. Dọn phòng sạch sẽ giúp các bạn có một cuộc sống khoẻ mạnh hơn và rèn luyện các thói quen tốt cho bạn và những người ở chung với bạn.


Hãy nói chuyện thẳng thắn với nhau khi có mâu thuẫn
Khi ở chung phòng với nhau, mâu thuẫn là chuyện khó tránh khỏi. Mâu thuẫn có thể bắt đầu do một hay một vài thành viên trong phòng không tuân thủ “roommate contract” hoặc một hành động, tình huống, hay một thói quen nào đó của một (vài) thành viên trong phòng làm phiền lòng các thành viên còn lại. Khi mâu thuẫn lớn dần, các bạn nên bắt đầu nói chuyện trực tiếp với nhau để bày tỏ quan điểm của mình với bạn cùng phòng để cùng nhau tìm ra cách giải quyết hợp lý. Than phiền về bạn cùng phòng với người khác chỉ làm tình huống tệ hơn mà thôi. Nếu nói chuyện thẳng thắn không đem lại kết quả tốt, các bạn nên nói chuyện hay nhờ RA của mình tư vấn, giúp bạn giải quyết vấn đề. Đừng chờ vấn đề trở nên quá lớn và không cứu vãn được mới nói chuyện với RA hay bạn cùng phòng. Một số vấn đề mâu thuẫn mình đã thấy là chuyện thường xuyên dẫn bạn bè về phòng nói chuyện quá khuya, không tôn trọng quyền cá nhân riêng tư của nhau, mượn đồ không hỏi, vv.

Lên lịch đi ăn tối hay ăn trưa với bạn cùng phòng
Điều này thì tuỳ sở thích của các bạn nhưng mình nghĩ nó là một điều nên làm. Các bạn nên sắp xếp thời gian để đi ăn tối hay ăn trưa với các bạn cùng phòng của mình một hay hai tuần một lần để biết thêm về những gì đang xảy ra trong cuộc sống của họ. Nhiều người nghĩ nếu ở cùng phòng thì chắc hẳn đã biết nhau rõ rồi nhưng sự thật nhiều người chỉ về phòng để ngủ và dành hầu hết thời gian ở những nơi khác. Nếu bạn biết được bạn của mình đang trải qua một gian đoạn khó khăn trong cuộc sống, bạn có thể đồng cảm hơn với những điều họ làm.


Trên đây là những tips mà mình có để có thể sống vui vẻ với bạn cùng phòng của mình. Nếu bạn có những tips khác hay có những câu hỏi liên quan đến việc du học, hãy email mình tại địa chỉ blog1@capstonevietnam.com nhé!

capstonevn

Tổng số bài gửi : 195
Join date : 04/11/2013
Age : 35
Đến từ : Việt Nam

http://capstonevietnam.com/vi/

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết